Thứ Bảy

Hình Xung Khắc Hại giữa địa chi

Sau khi xác định cơ bản tính chất của nhật chủ và lệnh tháng không có Ấn Kiêu để sinh trợ cho thân, việc quan sát tứ trụ tiếp tục với sự quan hệ giữa các Địa Chi. Bạn nên thuộc bảng sinh, khắc, hình, hại, phá, hợp, không vong, vì sẽ phải dùng đến trong nhiều phần khác trong cung mệnh, đại vận, lưu niên.

1). Tìm xem mối quan hệ giữa các địa chi trong bốn trụ. Với thí dụ ở phần 1, ta thấy chi Dậu hại chi Tuất:

Năm: Bính Tuất
Tháng: Đinh Dậu
Ngày: Quí Hợi
Giờ: Bính Thìn

Nhắc lại các loại Hình, Hại, Xung, Phá, Hợp đều phải đứng cạnh nhau trong tứ trụ thì mới tính. Như thí dụ trên thì Dậu không có quan hệ gì với Hợi và Thìn, mà chỉ tính Tuất Dậu thuộc loại Hại.

2). Xem mối quan hệ lục thân của các trụ. Căn bản thì các trụ đại diện cho mối quan hệ họ hàng như sau:

Năm: tổ tiên, ông bà
Tháng: cha mẹ
Ngày: Can: chính mình, Chi: chồng, vợ
Giờ: con cái

Với thí dụ Dậu hại Tuất ở 2 cung năm và tháng, có thể cho thấy sự mâu thuẫn hay khó khăn xảy ra giữa ông bà và cha mẹ.

3). Bây giờ là đến phần so sánh các loại hình hại xung khắc giữa tứ trụ và đại vận. Bạn phải biết cách lập đại vận là tính từ tháng. Nam sinh năm dương là dương nam, nữ sinh năm âm là âm nữ, đều tính thuận từ tháng trở đi. Ngược lại, âm nam và dương nữ phải tính ngược. Điều này không nói lên sự việc vận đi thuận là tốt và vận đi nghịch lại là xấu. Hoàn toàn phải dựa vào ngũ hành thuận lợi hay bất lợi thì mới biết là vận thuận hay nghịch vận. Nhưng ở đây ta chỉ chú trọng vào mối quan hệ giữa các Chi với nhau để có một cái nhìn tổng quát. Lại xin nhắc lại rằng không phải Khắc là luôn luôn xấu và Hợp luôn luôn tốt. Đôi khi các kị thần họp lại với nhau thì thân chủ càng thêm mệt, vì sự khắc chế nặng nề, cho dù vận đó trên thiên can xem như là thuận lợi.

Có người chỉ xem địa chi của Vận, không xem thiên can là quan trọng vì cho rằng Can là thứ yếu. Tôi xem cả hai như nhau, nhất là khi Thiên can biểu hiện lại sự xung khắc sẵn có trong tứ trụ. Thí dụ như Nhâm khắc Bính trong trụ, đến vận Nhâm thì điều khắc chế này sẽ xảy ra, cho dù địa chi mang hành dụng thần của mình. Sự khắc chế này giảm thiểu hay mất hẳn đi lại là một phần khác, xin nói rõ sau.

Trở lại tứ trụ của cháu trai và đại vận cùng mối quan hệ giữa các địa chi với nhau:

Năm: Bính Tuất
Tháng: Đinh Dậu
Ngày: Quí Hợi
Giờ: Bính Thìn

2-11 tuổi: Mậu Tuất
12-21 tuổi: Kỉ Hợi
22-31 tuổi: Canh Tí
32-41 tuổi: Tân Sửu

Theo bảng hình hại ta nhận thấy
-Vận Mậu Tuất: Tuất phá Dậu
-Vận Kỉ Hợi: Hợi hình Hợi
-Vận Canh Tí: Tí bán hợp với Thìn thành Thủy cục, và Tí đồng thời cũng phá Dậu
-Vận Tân Sửu: Sửu-Tuất-Thìn là 1 loại tam hình

4). Sau đó là nhận định thêm vài khía cạnh khác thông qua lục thân.

- Vận Kỉ Hợi hình thành loại Hình này ở trụ ngày là có liên quan đến người trong nhà. Hợi cũng là Thủy tức là Kiếp của nhật chủ Quí, thì có thể đoán sự việc xảy ra giữa mình và anh chị em hoặc bà con đang ở trong nhà mình. Trụ ngày với Chi là nói đến chồng vợ, nhưng cũng đề cập đến “nhà” tức là căn hộ mà nhiều người sống chung trong đó một thời gian lâu, không chỉ nói đến chồng hay vợ. Nhất là đại vận Kỉ Hợi này cậu bé mới chỉ 12-21 tuổi thì không nói hẳn được về người vợ. Lại nữa, khi thấy chi của trụ ngày bị hình thì cậu ta không dễ gì lấy vợ sớm khi 20 tuổi. Cũng nên tùy theo vận tuổi mà linh động xét đoán.

- Vận Canh Tí thấy có lọai Phá giữa Tí Dậu, đụng chạm với trụ tháng. Có thể đoán một sự khó khăn hay có vấn đề cãi cọ, xung khắc xảy ra giữa mình và cha mẹ, hoặc giữa mình và một người có chức vị cao hơn mình, bởi vì trụ tháng còn đại diện cho ông chủ, người cấp cao hoặc đại diện pháp luật. Đồng thời Tí bán hợp Thìn là Thủy cục, cũng có thể dễ luận đoán thân chủ sẽ có khuynh hướng ngã về các loại tứ đổ tường, thí dụ như rượu, nghiện ngập. Nếu nhẹ hơn là bị sức ép ở chỗ làm hoặc gia đình. Canh Tí vận ở giai đoạn đang làm việc và xây dựng bản thân nên nghiêng về giải đóan sinh hoạt nghề nghiệp là đúng nhất.

Những người chưa làm quen với Tử bình lâu ngày sẽ rất dễ nhớ phần hình xung khắc hại giữa các chi, vì chúng ta ai cũng thuộc Ngũ hành, 12 địa chi và 10 Can. Đấy là một thuận lợi cho bước đi ban đầu. Những phần khó hơn như thập thần, thần sát, dụng thần, kị thần… v.v… thật ra cũng xuất phát từ các sự liên hệ giữa ngũ hành và can chi. Sau khi nắm vững bảng tứ trụ và đại vận với các bước đi giản đơn như trên, sẽ không khó khăn gì khi bắt đầu học các thuật ngữ mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét